Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Cá tra thì bị cạnh tranh khốc liệt. Tôm thì giá sụt giảm mạnh khi các nước trong khu vực phá giá đồng tiền nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, khiến thị trường chao đảo mạnh. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nước đang đau đầu đối phó với nguy cơ rủi ro ngoài tầm kiểm soát của mình.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 8 ước đạt 2,38 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu trong 8 tháng của năm 2015 lên mức 19,31 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 4,13 tỷ USD, giảm 17,5% so với cùng kỳ.
Giá tôm giảm mạnh khiến cho Thủy sản Minh Phú lao đao. Nếu còn niêm yết trên sàn chắc chắn giá cổ phiếu này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thiệt hại của Minh Phú sẽ còn tăng lên nếu thị trường tiếp tục lao dốc. Công ty vừa công bố kết quả kinh doanh quý II lỗ ròng gần 15 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng lãi ròng vẻn vẹn 11 tỷ đồng, chưa đến 1% kế hoạch đề ra.
Giá tôm khó bật tăng trở lại!
Đối mặt với thực tế phũ phàng này, ông Lê Văn Quang (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Minh Phú) không còn "lạc quan tếu" như kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ với doanh thu là 19.333 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.452 tỷ đồng, tăng 28% và 54% so với năm 2014.
Minh Phú vẫn là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tôm đứng đầu ngành. Sân chơi của Minh Phú là thị trường toàn cầu – và sức ảnh hưởng của công ty này đến thị trường là không hề nhỏ.
Tuy nhiên, đợt lao dốc thảm hại vừa qua gần như nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty này.
Theo ông Lê Văn Quang, tỷ giá đã hạ gục doanh nghiệp trong thời gian rất ngắn. Các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia phá giá đồng tiền quá mạnh so với USD. Còn Việt Nam gần đây mới phá giá đồng nội tệ khiến hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ khó cạnh tranh với các quốc gia nói trên. Các doanh nghiệp từ Ấn Độ, Indonesia… đã chào bán tôm vào thị trường Mỹ với mức giá rẻ, kéo giá giảm 30% trong nửa đầu năm 2015 trên thị trường thế giới.
Ông Quang cho rằng nếu Minh Phú quyết định chạy đua theo mức giá tôm thế giới, bằng cách tung một lượng hàng lớn, với mức giá siêu thấp thì công ty vẫn không thua lỗ, nhưng thị trường tôm thế giới sẽ tiếp tục lao dốc thảm hại.
Thực tế, thiệt hại của Minh Phú, nếu thị trường tiếp tục lao dốc, sẽ lớn hơn tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu tôm khác. Công ty không "dám" ồ ạt xuất khẩu giá quá thấp mà vẫn phải đảm bảo mua vào sản phẩm của nông dân với giá đủ để họ có lãi.
Thời gian qua, đã có lúc, giá tôm thu mua tại Cà Mau xuống mức dưới 70.000 đồng/kg, thậm chí chỉ 60.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nông dân chỉ còn cách bỏ tôm, treo ao, xoay qua nghề khác.
Cạnh tranh khốc liệt hơn
Theo số liệu thống kê, chỉ có 3/10 doanh nghiệp cá tra lọt vào danh sách 10 nhà xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam. Hoạt động xuất khẩu cá tra giảm 8,3% đạt mức 891 triệu USD và là lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt nhất trong ngành chế biến cá tra xuất khẩu, khiến cho các doanh nghiệp khó bứt phá.
Thực tế, xuất khẩu tôm giảm mạnh nhất, đến 30%, khiến doanh nghiệp thiệt hại rất lớn. Trong khi các thị trường chính về xuất khẩu tôm đều sụt giảm mạnh thì xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn tăng trưởng lần lượt 2,1% và 51,9%.
Số liệu thống kê cho thấy, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cá tra trở nên gay gắt hơn khi những doanh nghiệp lớn tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chậm lại, những doanh nghiệp nhỏ đang bứt phá lên.
7 tháng đầu năm, Thủy sản Minh Phú tiếp tục giữ ngôi vương toàn ngành, và dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tôm nói riêng với giá trị xuất khẩu đạt 177,3 triệu USD; Thủy sản Vĩnh Hoàn dẫn đầu ngành xuất khẩu cá tra với giá trị xuất khẩu 133,6 triệu USD. Thủy sản Hùng Vương lại tụt hạng từ thứ 9 xuống thứ 10 với giá trị xuất khẩu đạt 56,5 triệu USD.
Ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thủy sản Hùng Vương, cũng khẳng định việc các nước phá giá đồng nội tệ để đẩy mạnh xuất khẩu đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của hoạt động xuất khẩu thủy sản trong nước. Việc đồng nội tệ các nước như Nhật, châu Âu và khối Đông Âu, kể cả Nam Mỹ ít nhiều gây tác động đến việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Thủy sản Việt Nam còn phải cạnh tranh với các nước trong khu vực Aseanvà Ấn Độ, Trung Quốc do khu vực này cũng điều chỉnh tỷ giá. Tuy nhiên, khi NHNN quyết định phá giá tiền đồng VN thì có tác động tích cực cho việc xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới.
Thủy sản Hùng Vương cũng chịu thiệt hại nặng khi doanh thu tăng hơn nghìn tỷ, nhưng lãi quý II vỏn vẹn có 13 tỷ đồng, giảm 65%. Lũy kế 6 tháng, Thủy sản Hùng Vương lãi ròng 50 tỷ đồng, giảm 65,4% so với nửa đầu năm 2014. Cơ cấu doanh thu của HVG chủ yếu là mảng thức ăn chăn nuôi với tốc độ tăng trưởng vượt bậc cả về giá trị lẫn tỷ trọng. Doanh thu xuất khẩu chững lại ở mức 2.111 tỷ đồng, tỷ trọng giảm từ 30% xuống 27%.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh ở thuỷ sản tiếp tục đe dọa tới năng suất cũng như chất lượng sản phẩm trong năm 2015 do một số loại bệnh chưa được kiểm soát.
Ông Nguyễn Hữu Dũng cho hay, để giải quyết căn cơ dịch bệnh ở thuỷ sản, cần kiểm soát thật tốt chất lượng con giống; đồng thời phải xây dựng được quy trình nuôi thuỷ sản trong môi trường tự nhiên, không sử dụng kháng sinh; thâm canh thật cao, kiểm soát môi trường, chất lượng nước…
Theo VASEP, áp lực giảm giá mạnh của đồng Euro, đồng Yen và Nhân dân tệ so với USD đã tác động tới lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Hiện tại, giá thành sản xuất các mặt hàng thủy sản Việt Nam cao hơn các nước đang xuất khẩu.
VASEP dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam năm 2015 sẽ đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng 1,5% so với năm 2014. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá tra sẽ tương đương với năm 2014; các mặt hàng thuỷ sản khác sẽ có sự tăng nhẹ so với trước đó như xuất khẩu cá ngừ tăng 5%, mực và bạch tuộc tăng 8%, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tăng 5%.
Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
-------------------------------
Xuất khẩu tôm thẻ chân trắng khó khăn, nhưng mặt hàng tôm sú vẫn tốt. Vì vậy, các đơn vị cần tập trung phát triển mô hình tôm quảng canh, cải tiến, hướng dẫn giúp dân nâng cao năng suất, chất lượng. Đặc biệt, phải thực hiện quyết liệt các biện pháp giảm giá thành đối với tất cả các mặt hàng, kể cả mặt hàng có thị trường tốt lẫn mặt hàng thị trường không tốt. Đồng thời, đối với tôm nuôi phải quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP)
-------------------------------
Trong bối cảnh chung của sự suy thoái kinh tế và khủng hoảng tiền tệ như hiện nay, thủy sản vẫn là một trong những ngành có thặng dư xuất khẩu và nhiều tiềm năng tăng trưởng nếu chúng ta có chiến lược tốt. Trong nguy luôn có cơ, nếu biết tận dụng lợi thế có sẵn (nhân công lành nghề, kỹ thuật nuôi trồng và chế biến tốt, điều kiện nhà xưởng tối tân…) thì chúng ta sẽ nắm bắt được cơ hội, mở rộng chuỗi giá trị, tạo sự phát triển bền vững cho toàn ngành thủy sản.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT)
-------------------------------
Vừa rồi XK có chút sụt giảm là do một số thị trường thắt chặt lại việc nhập tôm sú, nhưng hiện nay đã tháo gỡ được, hy vọng sớm mở cửa trở lại. Thị trường Nga và Liên minh kinh tế Á – Âu cũng khá hứa hẹn. Tháng 7 vừa rồi, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã sang đàm phán và phía Liên minh Kinh tế Á – Âu đã chấp thuận thêm 4 DN XK thủy sản vào thị trường này. Như vậy, công tác tiếp cận thị trường chúng ta đã làm tốt, nhưng XK được nhiều không thì còn phụ thuộc nhu cầu.
|
Lê Văn (Thời báo kinh doanh)