Ngày 18/7 là một thời điểm đáng nhớ đối với những người theo đuổi vụ kiện tôm dai dẳng của Việt Nam chống lại Hoa Kỳ trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
ảnh minh họa
Ngày 18/7, cơ quan đại diện của Việt Nam ở Geneva đã nhận được thông tin chính thức rằng tại Washington, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận giải quyết vụ tranh chấp. Sự kiện này đã chấm dứt 8 năm Việt Nam khởi động và theo đuổi một vụ tranh chấp thương mại đầu tiên tại WTO.
Vụ kiện được phía Việt Nam chính thức đưa lên WTO từ năm 2010 và đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nước tại WTO bởi sự dai dẳng của nó. Bối cảnh phát sinh vụ kiện là vào những năm 2000, khi nhờ thực thi chính sách mở cửa và hội nhập mạnh mẽ, các doanh nghiệp tôm Việt Nam đã thâm nhập và dần khẳng định vị thế của mình trên thị trường Hoa Kỳ.
Nhờ chất lượng và giá thành hợp lý, sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam đã nhanh chóng giành được thị phần lớn tại thị trường Hoa Kỳ và đã có lúc một doanh nghiệp tôm của Việt Nam vươn lên trở thành nhà nhập khẩu tôm đông lạnh nước ngoài lớn nhất tại nền kinh tế số 1 thế giới.
Đứng trước thách thức cạnh tranh đến từ hàng nhập khẩu, các nhà sản xuất tôm nội địa Hoa Kỳ - Liên minh Tôm miền Nam (SSA), đã lên tiếng và gửi đơn khiếu nại đến Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) để yêu cầu khởi xướng vụ việc điều tra và áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm tôm nhập khẩu nước ngoài đến từ sáu nước.
12 giờ ngày 30/12/2003, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng điều tra áp thuế CBPG với tôm đông lạnh của Việt Nam. Một năm sau, tháng 2/2005, DOC chính thức ban hành lệnh áp thuế CBPG với tôm Việt Nam, cùng với năm quốc gia khác là Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và Ecuador.
Ngay sau đó, Thái Lan và Ecuador, với vị thế là thành viên của WTO, đã gửi Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp vụ việc điều tra và áp thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ lên Cơ quan giải quyết tranh chấp (DBS) của WTO và đã thành công. Còn Việt Nam lúc đó chưa thể kiện Hoa Kỳ vì chưa là thành viên của WTO.
Ba năm sau khi gia nhập WTO, ngày 1/2/2010 Việt Nam đã đệ đơn chính thức kiện Hoa Kỳ với nội dung về phương pháp tính toán biên độ phá giá mà Washington áp dụng đối với sản phẩm tôm.
Vụ kiện do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm phối hợp triển khai. Sau hơn một năm xem xét, ngày 2/9/2011, Báo cáo của Ban Hội thẩm đã ra phán quyết yêu cầu Mỹ dỡ bỏ thuế CBPG với tôm Việt Nam. Mỹ không phản đối các phán quyết nêu trên của Ban Hội thẩm và đồng ý sẽ thực thi phán quyết trong khoảng thời gian là 10 tháng, tức là không muộn hơn ngày 2/7/2012. Tuy nhiên, phía Hoa Kỳ liên tục trì hoãn, không thực thi phán quyết.
Do vậy, Việt Nam đã tích cực sử dụng diễn đàn WTO để vận động về ngoại giao, mục đích nhằm buộc Hoa Kỳ - cường quốc luôn tuyên bố tuân thủ luật pháp quốc tế, phải thực thi nghiêm túc trách nhiệm thành viên WTO.
Bằng nhiều bài phát biểu và vận động khác nhau, Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của các nước, nhất là các quốc gia ASEAN. Qua đó, đánh vào “hình ảnh” một cường quốc có trách nhiệm của Hoa Kỳ, tạo áp lực ngoại giao rất lớn lên quốc gia này. Đây cũng là một trong những cơ sở để Việt Nam và các doanh nghiệp tôm quyết tâm theo đuổi vụ kiện, với niềm tin sẽ chiến thắng và Hoa Kỳ cuối cùng sẽ phải thực thi phán quyết của DSB.
Cùng với việc đấu tranh trên diễn đàn ngoại giao đa phương, Việt Nam tiếp tục gây sức ép về pháp lý với Hoa Kỳ. Sau thời hạn chót tháng 7/2012, Hoa Kỳ không thực thi phán quyết của DSB, đến ngày 17/1/2013, Việt Nam đề nghị thành lập Ban hội thẩm trong khuôn khổ DSB (với mã vụ kiện DS429) để yêu cầu Hoa Kỳ thực thi phán quyết.
Đến ngày 22/4/2015, DSB đã thông qua phán quyết yêu cầu Hoa Kỳ phải dỡ bỏ lệnh áp thuế CBPG riêng rẽ cho một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam; sửa đổi kết luận của cuộc Rà soát cuối cùng lần thứ nhất năm 2010 để từ đó dỡ bỏ lệnh áp thuế CBPG tôm cho các doanh nghiệp Việt Nam; hủy bỏ quy định về thuế suất toàn quốc trong các vụ điều tra CBPG liên quan đến các nước có nền kinh tế phi thị trường như Việt Nam và Trung Quốc.
Để thắng kiện, Việt Nam đã thuê những luật sư Mỹ giàu kinh nghiệm và triển khai cuộc chiến pháp lý trên hai mặt trận tại Geneva và Washington. Thực chất toàn bộ vụ kiện được tiến hành trên đất Hoa Kỳ, theo luật của Hoa Kỳ. Theo tư vấn, để có thể thu về được khoản tiền thuế (quá cao) mà Minh Phú đã phải nộp khi đưa tôm vào Hoa Kỳ, công ty này đã đâm đơn kiện chính quyền Hoa Kỳ.
Theo một số chuyên gia pháp lý, vụ kiện của Việt Nam với Hoa Kỳ đã đạt được thành công ngoài mong đợi. Vì nếu so sánh với các vụ kiện tương tự, như của Mexico hay Canada, hai thành viên, đối tác thương mại quan trọng của Hoa Kỳ trong Khối thị trường chung Bắc Mỹ, thì hai nước này đều không lấy lại được khoản tiền thuế mà doanh nghiệp đã phải nộp.
Ngoài ra, Canada đã theo kiện Hoa Kỳ suốt 31 năm trước khi giành được thắng lợi. Còn với trường hợp vụ kiện ximăng của Mexico, Hoa Kỳ vẫn áp đặt hạn ngạch nhập khẩu vào từng bang sau khi DBS ra phán quyết giành phần thắng cho quốc gia này.
Đánh giá về thỏa thuận mà Việt Nam và Hoa Kỳ mới đạt được, Đại sứ Đại diện Phái đoàn Việt Nam tại Geneva Nguyễn Trung Thành khẳng định thỏa thuận song phương về giải quyết vụ kiện “là kết quả của một quá trình đấu tranh và cả hợp tác bền bỉ, kiên trì, kết quả của những trao đổi thẳng thắn, xây dựng và có thiện chí, đáp ứng được sự trông đợi của hai bên. Đặc biệt nó đã giúp khai thông được dòng hàng hóa của Việt Nam, nhất là tôm đông lạnh, sang Mỹ trong thời gian tới, và không nghi ngờ gì sẽ củng cố hơn nữa cho các chương trình hợp tác thương mại giữa hai nước. Đồng thời thỏa thuận là một sự khích lệ cho các doanh nghiệp Việt Nam đã đang khai thác hiệu quả thị trường Hoa Kỳ, phù hợp với các thỏa thuận song phương và đa phương mà hai bên là đã ký kết”
Tin tức nguồn: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1551518#ixzz4GFMLLijz
doc tin tuc xaluan.com