Do xuất khẩu giảm, thị trường tin rằng một lượng tồn kho khá lớn còn đang nằm trong nước. Nghịch lý là đáng ra hàng còn nhiều, giá phải “hợp lý” nhưng…hiện nay không phải thế. Nhiều nước đang “phá giá” cà phê để bán cho được, còn người còn giữa hàng nước ta lại đang chờ một sức mạnh từ nhu cầu tiêu thụ để có giá cao hơn.
Chấp nhận bán giá thấp
Biểu đồ 1: Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta Ice London (nguồn: Ice London)
Giá cà phê nguyên liệu trên thị trường nội địa tại các tỉnh Tây Nguyên đang ở mức thấp, sáng chủ nhật 9-8 vẫn giao dịch ở mức 36 triệu đồng/tấn, cao hơn tuần trước chừng 1 triệu đồng/tấn.
Giá hiện nay như vậy là thấp, vì giá cà phê nguyên liệu trong niên vụ này, bắt đầu từ 1-10-2014 và sẽ kết thúc vào ngày 30-9-2015, nhiều lần chạm mức 35 triệu đồng/tấn rồi phải dội ngược lên lại.
“Giá 36 triệu đồng/tấn được giao dịch cho các lô hàng giao trong vòng mươi ngày sau khi ký hợp đồng, người bán có thể hưởng giá khuyến khích cộng thêm 0,5 triệu đồng/tấn thành giá 36,5 triệu đồng/tấn nếu như giao hàng ngay khi ký hợp đồng,” lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê có nhà máy chế biến tại TP Buôn Ma Thuột cho biết.
Ở mức 36,5 triệu đồng/tấn, giá nguyên liệu tại thị trường nội địa đã cao hơn giá kỳ hạn trên sàn cà phê Ice London, một chuyên gia ngành hàng nhận định.
Giá nào là thấp, giá nào là cao?
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần đến ngày 7-8-2015, giá kỳ hạn robusta London chốt mức 1.661 đô la/tấn, so với tuần trước cao hơn 23 đô la/tấn, nhưng lại thấp hơn nhiều so với giá đóng cửa tại một ngày đầu vụ, bấy giờ có mức 2.236 đô la/tấn. Vậy giá kỳ hạn đến nay đã mất 577 đô la/tấn so với đầu niên vụ 2014-15 (xin xem biểu đồ 1).
“Dù giá giao dịch tính trên tiền mặt (outright) ở mức thấp 36,5 triệu đồng/tấn, giá này đã tương đương với 1.671 đô la/tấn, tức cao hơn 10 đô la/tấn so với giá niêm yết của sàn kỳ hạn khi đóng cửa,” vị chuyên gia cho biết.
“Với chi phí làm hàng, chuyên chở, tài chính, hao hụt… ít nhất phải cộng thêm 70 đô la nữa mới đủ sở hụi,” chủ doanh nghiệp xuất khẩu đưa ra bài tính giá FOB hay giao hàng qua lan can tàu. Như vậy, giá cà phê robusta loại2,5% đen bể nay phải chừng 1.740 đô la/tấn FOB hay giá chào xuất khẩu loại cà phê này phải cộng thêm trên giá niêm yết sàn London 80 đô la/tấn nữa mới đảm bảo hòa vốn, chưa nói đến lợi nhuận.
“Giá bán như thế là cao và chỉ dành cho những người đã có hợp đồng bán xuất khẩu giá cao trước đây nay cần hàng phải mua. Dù với mức thấp như hiện nay, vẫn chưa ai dám bỏ tiền mua trữ thêm,” chủ một đại lý cà phê tại TP Pleiku nói.
Tuy thị trường khá yên ắng vì giá bán bằng tiền mặt thấp, vẫn có một vài giao dịch đã chấp nhận giá hiện nay để thanh lý dần hàng tồn kho trước khi vào vụ mới chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng nữa.
Giá thấp vì tồn kho lớn?
Nhiều nguồn ước báo cho rằng có thể tồn kho cà phê chưa bán được tại Việt Nam còn lớn. Thực ra họ dựa trên số liệu xuất khẩu để đoán điều đó. Tổng cục Thống kê cho rằng trong 10 tháng đầu niên vụ cà phê hiện nay, xuất khẩu cà phê giảm gần 23%, chỉ đạt 1,09 triệu tấn. Nếu như cho sản lượng Việt Nam năm nay là 1,5 triệu tấn, cũng phải còn đến 30% lượng hàng tồn kho chưa bán được, đó là chưa nói đến một lượng hàng gối vụ hàng năm thường chừng 150.000 tấn.
“Con số tồn kho nửa triệu tấn cà phê chưa bán của nước xuất khẩu robusta số 1 thế giới Việt Nam quả là lớn đối với hai tháng còn lại của niên vụ và so với số liệu xuất khẩu bình quân 110.000 tấn/tháng vừa qua của Việt Nam,” vị chuyên gia cho biết.
Một số nhận định trên thị trường cho rằng sở dĩ giá sàn kỳ hạn và thị trường nội địa chưa lên được vì người mua đang chờ sức ép bán ra, có giá rẻ hơn, bấy giờ họ mới tranh thủ mua.
Ở đâu có giá cà phê rẻ hơn?
Thật ra, thị trường không phải chờ giá rẻ vì Brazil rất sẵn sàng bán mạnh với giá cạnh tranh hơn nhiều so với hàng từ Việt Nam.
Biểu đồ 2: Xuất khẩu cà phê Brazil qua nhiều năm (nguồn: SocGen)
Một nguồn tin thị trường từ Brazil cho hay rằng giá cà phê robusta (tiếng địa phương gọi là conillon như tiếng Việt gọi là cà phê vối) trên thị trường nội địa Brazil hiện đang quanh mức 5.230 real Brazil (BRL)/tấn. Nếu như tỉ giá 1 đô la Mỹ ăn 3,5 BRL thì giá robusta trên thị trường Brazil hiện nay cũng chưa đến mức 1.500 đô la/tấn, thấp hơn giá nội địa của Việt Nam đến 170 đô la/tấn! Chưa tính đến các loại chi phí, chỉ cần phí vận chuyển, khoảng cách giữa Brazil và các nước tiêu thụ truyền thống như Mỹ và châu Âu gần hơn so với Việt Nam nên cước vận tải rẻ hơn.
Xuất khẩu cà phê Brazil tháng 7-2015 vừa qua đạt chừng 2,8 triệu bao (60 kg x bao), giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượng xuất khẩu cà phê trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 7-2015 của nước này đạt 36,32 triệu bao. Điều đáng ngại là lượng robusta xuất khẩu Brazil chưa muốn giảm. Đến nay lượng xuất khẩu robusta của Brazil đã gần mức 5 triệu bao, tức chừng 300.000 tấn (xin xem biểu đồ 2).
Con số này không hề nhỏ vì đã tương đương với lượng xuất khẩu của nước ta trong vòng ba tháng. Đó là một thách thức lớn vì giá bán ra của họ quá rẻ so với giá robusta của nước ta. Tại sao nước ngoài cạnh tranh bán giá “bèo” được còn người trữ hàng trong nước phải ôm hàng chịu đựng? Có lẽ không chỉ vì giá mà còn những yếu tố thị trường khác, người nông dân cà phê đang chờ những giải pháp khẩn cấp từ các cấp quản lý.
Nguyễn Quang Bình (thesaigontimes.vn)