Là cây trồng “tỷ đô” với giá trị xuất khẩu vượt 3,6 tỷ USD trong năm 2014, nhưng người trồng cà phê đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc cải tiến kỹ thuật, gia tăng năng suất cây trồng để giữ được vị trí cao trên bản đồ thế giới.
Trong những năm gần đây, tình trạng cây cà phê già cỗi đang ngày càng nghiêm trọng tại các tỉnh Tây Nguyên khiến năng suất sụt giảm tới 50%. Tại Tây Nguyên, có tới hơn 20% diện tích cà phê già cỗi trên 20 năm tuổi và trong 10 năm tới, số diện tích phải trồng mới vào khoảng 140-150 nghìn ha. Đây là một thách thức không phải nhỏ mà ngành cà phê Việt Nam phải đối mặt, nếu muốn duy trì thứ hạng cao trên bản đồ cà phê thế giới.
Liên tục rót vốn vào ngành cà phê
Cuối tháng 3 vừa qua, Nestlé đã đưa vào vận hành nhà máy sản xuất hạt cà phê khử caffeine với vốn đầu tư 80 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho 70 người, được đặt trong nhà máy Nestlé Trị An, khu công nghiệp Amata, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Ông Paul Bulcke - Chủ tịch Tập đoàn Nestlé cho biết: "Nestlé hiện đang thu mua khoảng 25% tổng sản lượng cà phê hàng năm của Việt Nam nên việc đưa vào vận hành nhà máy sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra, gia tăng giá trị xuất khẩu, đem lại lợi ích, tạo ra giá trị cho người nông dân trồng cà phê cũng như người tiêu dùng".Cuối tháng 3 vừa qua, Nestlé đã đưa vào vận hành nhà máy sản xuất hạt cà phê khử caffeine với vốn đầu tư 80 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho 70 người, được đặt trong nhà máy Nestlé Trị An, khu công nghiệp Amata, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Theo đại diện Nestlé, nhà máy mới đưa vào sử dụng là nhà máy sản xuất hạt cà phê khử caffeine ứng dụng công nghệ hiện đại đầu tiên tại Việt Nam và là nhà máy sản xuất hạt cà phê khử caffeine thứ hai của tập đoàn. Nhà máy được thiết kế để giảm thiểu tác động về môi trường, giảm lượng tiêu thụ nước và năng lượng tới 20%, giảm lượng khí thải CO2 so với quy trình sản xuất hạt cà phê khử caffeine thông thường.
Với vốn đầu tư 80 triệu USD, Nestlé Trị An là nhà máy sản xuất hạt cà phê
khử caffeine ứng dụng công nghệ hiện đại đầu tiên tại Việt Nam.
Sản phẩm hạt cà phê khử caffeine của nhà máy sẽ được Nestlé Trị An sẽ được xuất khẩu đến những nhà máy khác của Nestlé ở nhiều nước trên thế giới nhằm sản xuất ra sản phẩm cà phê có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, công ty điều hành 5 nhà máy với khoảng 2.000 nhân viên trên toàn quốc. Tổng vốn đầu tư của Nestlé tại Việt Nam cho đến nay là hơn 450 triệu USD. Đánh giá về tiềm năng của thị trường Việt Nam, vị đại diện từ Nestlé - ông Nandu Nandkishore cho rằng, với dân số trẻ, nhu cầu của người tiêu dùng tăng trưởng mạnh, Việt Nam có đầy đủ các yếu tố để thu hút nhà đầu tư.
Chia sẻ với báo giới, Phó Chủ tịch Tập đoàn Nestlé phụ trách khu vực châu Á, châu Đại Dương và châu Phi – ông Nandu Nandkishore cũng khẳng định, trong dài hạn, Nestlé muốn phát triển bền vững bằng cách vừa tạo ra giá trị cho cổ đông công ty, vừa tạo ra lợi ích cho xã hội thông qua cùng một hành động. “Thị trường cà phê thế giới đang tăng trưởng và đặt ra yêu cầu người nông dân phải sản xuất ra nhiền cà phê hơn nữa. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là đưa Việt Nam thành điểm tham chiếu cùa cà phê trên thế giới, nhắc tới cà phê là phải nhắc tới Việt Nam”, Nandu cho biết.
Thay đổi thói quen canh tác, giúp tăng năng suất gấp đôi
Theo ông Nandu Nandkishor, từ những năm 2011, Tập đoàn này đã triển khai "đại dự án" Nescafé Plan toàn cầu tại Việt Nam, bao gồm tập hợp các cam kết của công ty về hoạt động canh tác, sản xuất và tiêu dùng cà phê có trách nhiệm. Cho đến nay, dự án này đã phân phối hơn 7 triệu cây giống cà phê năng suất cao cho nông dân các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai...
Mới đây, Nescafé Plan công bố kế hoạch hỗ trợ thêm 4 triệu giống cây giống cho nông dân trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên trong năm 2015, nâng tổng số cây giống hỗ trợ lên gần 11 triệu cây, trong đó Nestlé hỗ trợ 50% giá giống.
Bên cạnh việc hỗ trợ cây giống, trong khuôn khổ dự án Nescafé Plan các dịch vụ hỗ trợ miễn phí cho nông dân cũng được triển khai với khoảng 21.000 nông dân được tập huấn kỹ thuật dự trên nền tảng của bộ quy tắc quốc tế 4C sản xuất chế biến và kinh doanh cà phê bền vững.
Phó Chủ tịch Tập đoàn Nestlé phụ trách khu vực châu Á, châu Đại Dương và châu Phi – ông Nandu Nandkishore
trả lời phỏng vấn vào cuối tháng 3 vừa qua tại Hà Nội.
Nông dân Y Bléc Byă, buôn Hwie, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, tham gia dự án NESCAFÉ Plan từ năm 2011, chia sẻ : “Trước đây, do chưa tiếp cận nhiều về kỹ thuật canh tác cà phê nên tôi chỉ trồng và chăm sóc theo cảm tính, sản lượng hàng năm không ổn định. Từ khi tham gia chương trình, được chuyên gia nông nghiệp tập huấn kỹ thuật trực tiếp trên vườn, được học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm ở nhiều vùng khác nhau, tôi đã mạnh dạn áp dụng vào vườn cà phê của mình, năng suất vườn cà phê của gia đình tăng ổn định từ 4,5 tấn/ha lên 6,6 tấn/ha/năm”.
Nescafé Plan đẩy nhanh việc cung cấp cho thị trường những giống cà phê mới
với năng suất lên đến 7 tấn/hecta, gần gấp đôi năng suất trung bình hiện nay.
Phát biểu tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột hồi đầu tháng 3, ông Lê Ngọc Báu, Viện trưởng WASI cho biết: “Dự án Nescafé Plan đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn của việc trồng lại cây cà phê, hỗ trợ 50% giá cây giống cho nông dân, thúc đấy mạnh mẽ việc thay thế các cây cà phê già cỗi. Chương trình này cũng đẩy nhanh việc cung cấp cho thị trường những giống cà phê mới với năng suất lên đến 7 tấn/hecta, gần gấp đôi năng suất trung bình hiện nay”.
Ngoài Nescafé Plan, Nestlé hiện còn là đối tác chính tham gia Ban điều phối hợp tác công tư trong lĩnh vực cà phê với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam nhằm hỗ trợ người nông dân nâng cao chất lượng hạt cà phê, nâng cao năng suất và thu nhập. “Trong dự án PPP này, ngoài cải thiện về năng suất cà phê, chúng tôi cũng cải thiện chất lượng hạt cà phê Việt Nam và hướng người nông dân tới phát triển bền vững môi trường, chú trọng khâu sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật…”, đại diện Nestlé nói.
Phương Dung
theo dantri.com.vn