Khách chọn mua xe tại một cửa hàng của Thaco ở TP HCM (Ảnh: Tấn Thạnh)
Bộ Tài chính vừa hoàn tất dự thảo nghị định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB theo hướng thay đổi giá trị tính thuế của tô tô nhập khẩu dưới 24 chỗ.
Áp lực tăng giá
Theo đó, giá tính thuế TTĐB với dòng xe này sẽ được cộng cả chi phí bán hàng trong nước, lãi của doanh nghiệp (DN), chi phí quảng cáo… tại khâu nội địa khi nhà nhập khẩu ô tô bán ra. Điều này sẽ khiến giá xe nhập nguyên chiếc tăng thêm khoảng 10% theo tính toán của một số DN.
Nhân viên kinh doanh của một đại lý phân phối xe Ford tại Hà Nội than thở doanh số bán hàng đang xuống thấp, chỉ khoảng 4-5 xe nhập khẩu mỗi tháng bởi người tiêu dùng đang phân vân giữa việc mua xe tại thời điểm này hay tiếp tục chờ để được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại với mức thuế nhập khẩu ưu đãi hơn. “Nếu tăng thuế TTĐB với xe nhập khẩu thì doanh số bán hàng của đại lý có thể còn thê thảm hơn nữa” - nhân viên này lo lắng.
Theo tính toán, với cách tính thuế cũ, tức chỉ tính thuế TTĐB trên giá CIF nhập về thì giá từ khi nhập khẩu tới tay người tiêu dùng tăng khoảng 20%, bao gồm các loại phí, chi phí trong khâu vận chuyển, kinh doanh. Nhưng nếu tính thuế TTĐB theo cách mới thì giá sẽ tăng hơn 30%. “Giả sử một chiếc xe trước đây có giá bán đến tay khách hàng là 120.000 USD (khoảng 2,6 tỉ đồng) thì nay có thể lên tới trên 130.000 USD (khoảng 2,8 tỉ đồng). Người tiêu dùng chắc chắn sẽ cân nhắc trước khi quyết định mua xe” - nhân viên này nói.
Nhiều DN nhập khẩu ô tô cũng cho rằng với cách tính thuế mới, các thủ tục để hoàn tất nộp thuế sẽ tăng thêm. Nếu như hiện nay, DN cần một khâu để hoàn tất thủ tục nộp thuế vì giá tính thuế chỉ tính trên giá nhập khẩu thì quy định mới sẽ tạm tính thuế TTĐB tại thời điểm DN hoàn tất thủ tục nhập xe và tiếp tục bị truy thu số còn thiếu sau khi bán hàng.
Thực tế, lo ngại về doanh số bán hàng đang là vấn đề “đau đầu” nhất đối với các DN kinh doanh ô tô nhập khẩu chính hãng khi phát sinh thêm khoản nộp thuế TTĐB. Ngay với những DN có tổ chức sản xuất, lắp ráp ô tô thì phần nhập khẩu nguyên chiếc vẫn chiếm con số tương đối. Bởi lẽ, lợi nhuận của một số DN hiện nay dựa trên doanh thu chính từ xe nhập khẩu, còn phần lắp ráp trong nước từ trước đến nay không thể cạnh tranh nổi nếu không muốn nói là chỉ “làm cho vui”.
Các chuyên gia cho rằng so sánh tỉ suất lợi nhuận trên đầu tư đại lý xe chính hãng với đầu tư sản xuất, lắp ráp thì rõ ràng đi mua xe về bán có lợi hơn. Nhưng nếu tăng thuế đe dọa đến doanh thu thì buộc DN phải có giải pháp điều chỉnh để duy trì hoạt động hoặc đẩy tất cả khó khăn vào giá xe để người tiêu dùng hứng chịu.
Càng bảo hộ càng “hư”
Ngoài mục tiêu bảo đảm nguồn thu ngân sách thì một trong những nguyên nhân quan trọng khác đưa đến ý tưởng tính thêm thuế TTĐB tại khâu nội địa đối với xe nhập nguyên chiếc là bởi chủ trương tiếp tục giữ giá xe ở mức cao nhằm bảo đảm “công bằng” cho xe sản xuất trong nước. Hay nói cách khác là nhà nước tiếp tục bảo hộ ô tô nội địa.
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, quy định tính thuế TTĐB theo cách cũ thực tế không phát sinh vướng mắc. Tuy nhiên, trong bối cảnh cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với mặt hàng ô tô theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN vào năm 2018, một số hiệp hội và DN sản xuất, lắp ráp trong nước đã kiến nghị giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng nhập khẩu chưa bảo đảm công bằng.
Cũng theo bộ này, hiện hoạt động nhập khẩu hàng hóa ngày càng đa dạng về hình thức như việc các hãng nước ngoài thành lập công ty con, thành lập liên doanh… ở Việt Nam giúp tối đa hóa lợi nhuận. Do vậy, nếu không điều chỉnh các loại thuế khác thì khi thuế nhập khẩu cắt giảm về 0%, xe nhập khẩu sẽ càng có lợi thế.
Nhưng thực chất, theo các chuyên gia, càng bảo hộ thì càng làm “hư” ngành sản xuất trong nước và ngành này sẽ mãi không lớn được. “Còn nếu buông ra thì trước áp lực giảm thuế nhập khẩu từ khối ASEAN và Hàn Quốc, xe trong nước không cách gì cạnh tranh và vươn lên được. Tiếp tục bảo hộ nhưng phải có chế tài, yêu cầu DN đạt tỉ lệ nội địa hóa nhất định, đi kèm với cam kết giảm giá thành thì mới có tác dụng. Nếu không, bảo hộ là vô nghĩa, không đem lại kết quả gì” - ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp (Bộ Công Thương), nhận xét. Cũng theo ông Phương, bảo hộ thông qua việc giữ giá xe nhập khẩu ở mức cao không thể tạo động lực cạnh tranh để DN sản xuất trong nước hạ giá thành.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du cũng cho rằng với một ngành không có sức cạnh tranh thì không việc gì phải bảo hộ mà nên tập trung vào những lĩnh vực thực sự có thế mạnh.