Trong khi chiến dịch "giải cứu" dưa hấu tồn chưa kết thúc, tại một số vùng ven sông Trà Khúc, người dân tiếp tục trồng gối vụ với hy vọng giá tăng trở lại trong những ngày nắng nóng tới.
Trao đổi với VnExpress, ông Võ Tấn Hồng - Chủ tịch UBND xã Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cho biết, tuần qua, tỉnh đoàn và các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong cả nước vẫn tiếp tục về địa phương mua giúp bà con nông dân khoảng 300 tấn dưa hấu với giá 3.000 đồng một kg.
"Giá thu mua cao gấp 5-6 lần thương lái nên gần như họ đã rút lui. Hiện trên địa bàn còn khoảng 200 tấn đang thu hoạch", ông Hồng nói.
Tại một số vùng ven sông Trà Khúc, người dân vẫn tiếp tục trồng "gối vụ", xuống giống dưa mới với hy vọng giá tăng trở lại vào dịp hè này. Lãnh đạo địa phương cho biết đã khuyến cáo người dân nên rải vụ trồng dưa hấu, tránh tình trạng thu hoạch cùng lúc gây ùn ứ, khó tiêu thụ.
|
Cơ quan quản lý thừa nhận việc xử lý và định hướng cung cấp thông tin cho người nông dân vẫn là khâu yếu. Ảnh: Trí Tín
|
Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, diện tích trồng dưa toàn tỉnh năm 2015 đạt hơn 1.100 ha, hiện khoảng 150 ha (tương đương 5.000 tấn quả) và đang trong giai đoạn thu hoạch. Do không có thương lái thu mua, những tuần qua, giá liên tiếp tuột dốc từ 5.000 đồng xuống chỉ còn 500 đồng một kg.
Nối tiếp chương trình bán dưa ủng hộ nông dân vũng lũ Quảng Nam trước đó, từ ngày 11/4 các thành viên của nhóm thiện nguyện bán nông sản giúp nông dân miền Trung đã di chuyển vào Quảng Ngãi để thu mua giúp 1.000 tấn dưa hấu tồn của địa phương.
Lần thu mua ủng hộ này không chỉ có sự tham gia của các cá nhân, mà còn sự góp mặt của nhiều đơn vị, cơ quan nhà nước. Tại Hà Nội, Sở Công Thương thành phố đã gửi văn bản đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, ban quản lý các chợ đầu mối Long Biên, Đền Lừ… tổ chức bán dưa hấu hỗ trợ bà con nông dân miền Trung.
Anh Đặng Như Quỳnh (Thanh Xuân, Hà Nội) - đầu mối chương trình bán dưa ủng hộ nông dân miền Trung tại Hà Nội cho biết, từ 11-19/4 tổng cộng đã có 1.000 tấn dưa Quảng Ngãi chuyển về Hà Nội và phân phối tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc.
Anh cho biết dưa hấu Quảng Nam trước đó đã được tiêu thụ hết, lúc này tại các điểm bán Hà Nội và các tỉnh lân cận chủ yếu là dưa Quảng Ngãi. "Dưa Quảng Ngãi có hai loại, một là giống An Tiêm có màu xanh thẫm (giống dưa Quảng Nam) và loại khác là vỏ trắng sọc xanh. Do vậy, đã không ít người dân mua nhẫm tưởng dưa đang bán là của Quảng Nam", anh nói.
Đêm 20/4, có 7 xe tải với khoảng 300 tấn cũng được chuyển ra Hà Nội, song anh Quỳnh cho biết: "Đây cũng là chuyến dưa cuối cùng mình tham gia. Hiện nay tại địa phương đã có nhiều cá nhân đơn vị trong cả nước tiêu thụ dưa của bà con, do vậy lượng tồn chỉ còn khoảng vài trăm tấn”.
Trước đó, trao đổi với VnExpress, Thứ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết trong nhiều biện pháp cơ quan quản lý đang tiến hành có việc cân đối cung cầu đặc biệt là tiêu thụ nội địa. Đây là thị trường có nhu cầu lớn nhưng thiếu vắng doanh nghiệp phân phối cũng như khó khăn về hạ tầng cơ sở đã làm yếu khả năng tiêu thụ nông sản, trong đó có dưa hấu.
Hiện Bộ Công Thương đang chuẩn bị kế hoạch mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, trong đó thiết lập mối liên hệ chặt chẽ giữa các địa phương trồng nông sản với đơn vị lưu thông. Trước mắt, Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM được xác định là thị trường tiêu thụ lớn.
Theo TS. Lưu Bích Hồ- nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), câu chuyện quy hoạch vùng sản xuất đã được bàn nhiều nhưng không đồng nhất thì rất khó thực hiện. "Nông dân có đất thì chỉ biết trồng mà bán, còn thị trường ra sao, đầu mối thế nào họ khó mà nắm bắt. Việc tiêu thụ dưa hấu cho thấy điểm yếu của Việt Nam luôn bị động ở khâu biên mậu. Cần bàn tính đến phương án khác để tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc", ông Hồ nói.
Chuyên gia cho rằng không nhất thiết trồng dưa hấu để bán sản phẩm tươi. Nếu chế biến dưa hấu thành nước hoặc đóng hộp thì có thể kéo dài thời gian sử dụng để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường một số thị trường khác.
Về việc tiêu thụ dưa tồn tại tỉnh Quảng Nam, trao đổi với VnExpress, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này xác nhận hơn 300 ha dưa hấu đã thu hoạch và tiêu thụ hết từ cuối tháng 3 đầu tháng 4, trong đó có cả lượng dưa ngập nước của huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và Điện Bàn. Hiện còn hơn 500 ha dưa tại huyện Phú Ninh nhưng chưa đến kỳ thu hoạch.
|
Thành Tâm - Trí Tín
theo vnexpress.net