Xe chở nông sản ùn ứ tài cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn)
Tình trạng nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu hay phải đổ bỏ cho bò, lợn ăn là câu chuyện kéo dài cả chục năm qua. Cứ đến hẹn lại lên, người nông dân lại khóc ròng, cơ quan quản lý loay hoay chữa cháy. Đến nay, cả Bộ NN&PTNT và Công Thương chưa vẽ ra được bản đồ quy hoạch phân vùng trồng nông sản trên cả nước một cách rõ ràng. Trong khi đáng lẽ phải phân chia vùng nào trồng xoài, vùng nào làm thanh long, nơi nào trồng dưa hấu, chỗ nào làm cao su, ca cao…
Chúng ta luôn trong tình trạng thu hoạch rồi mới hỏi giờ xuất khẩu ở đâu? Ở các nước, quả dưa hấu khi sản xuất ra được đưa thẳng đến khâu bán lẻ, không có chuyện qua 4-5 “cầu” thương lái, giá đội lên ngất ngưởng. Dưới góc độ tiêu dùng, Bộ Công Thương hầu như chưa tổ chức được hệ thống phân phối thành chuỗi khép kín.
Trong khi đó, theo số liệu từ Bộ Công Thương, bức tranh xuất khẩu khá ảm đạm trong các tháng đầu năm. Sự khó khăn của thị trường, DN thể hiện khá rõ khi kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản ước đạt 8,5 tỷ USD, giảm 5,1%. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như thủy sản, gạo, cà phê đều giảm so với cùng kỳ, trong đó, giảm mạnh nhất là cà phê với mức giảm 38,3% so với cùng kỳ. Riêng mặt hàng thủy sản, xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh so với cùng kỳ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Phùng Quốc Hiển, nhiệm vụ của nhà nước là phải giúp nông dân sản xuất gắn với thị trường, chứ không thể cứ làm mà không biết bán cho ai. Nông nghiệp, nông thôn, chúng ta đang rất khó khăn, và nếu cứ tiếp tục như thế này thì thế mạnh của chúng ta như lúa gạo, tiêu, điều, cà phê… sẽ suy yếu, chứ chưa nói đến các mặt hàng khác. “Chúng ta ký các hiệp định thương mại tự do (FTA), rồi chuẩn bị TPP, hội nhập sẽ có rất nhiều thay đổi nhưng giải pháp thế nào thì vẫn chưa rõ” - ông Hiển băn khoăn.
Về tình trạng tồn kho nông sản xuất khẩu, đại diện nhiều ngành hàng nói rằng, bên cạnh vấn đề thị trường, còn có nguyên do từ khâu xúc tiến thương mại quá yếu, thủ tục “không thân thiện” với DN. PGS TS Ngô Trí Long cho rằng, sự yếu kém của các chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) là hồi chuông cảnh tỉnh, cảnh báo các cơ quan chức năng, đặc biệt là đối với Bộ Công Thương. Về hiệu quả của các chương trình XTTM tiêu tốn tiền tỷ, TS Long cho rằng: “Việc XTTM, tổ chức hội chợ, hội thảo có những góc khuất, có khi đơn vị tổ chức không đủ năng lực, “bán cái” lấy tiền; hay đưa vào hội chợ không phải hàng Việt Nam mà là hàng Trung Quốc; hàng giả, nhái”.
Không ít DN phải băn khoăn, chúng ta có cả một đội ngũ thương vụ, tham tán thương mại phủ rộng khắp trên thế giới nhưng không phát huy được. Tham tán ở nước nào phải biết người dân ở đây chuộng loại nông sản gì, tình hình thị trường ra sao. Đội ngũ này có trách nhiệm tổng hợp thông tin về Bộ Công Thương, sau đó lan tỏa về các địa phương. Nhưng vai trò của đội ngũ này khá mờ nhạt.
Thông tin mới đây từ Bộ Công thương cho biết, Bộ này đã có chủ trương thành lập “nhóm phản ứng nhanh” làm đầu mối giải quyết các vướng mắc về thị trường đối với công tác xuất khẩu hàng nông sản. Tuy nhiên, điều quan trọng là sự liên kết trong công tác điều hành chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Từ XTTM đến quy hoạch vùng sản xuất phải làm sao gắn kết được người nông dân với các sản phẩm của một thị trường lớn. Năng lực quản trị nhà nước ra sao? Đây chính là lúc cần được thể hiện.
Bá Tú
Nguồn dddn.com.vn