Theo VEPR, nếu loại bỏ kiều hối thì thâm hụt thương mại có thể vượt qua thặng dư từ vốn, có xu hướng làm trượt giá VND – và quả thực VND đang bị định giá cao và mức độ cạnh tranh về giá của hàng hoá thương mại gặp bất lợi.
Theo VEPR, điều chỉnh tỉ giá (nếu xảy ra) có thể rơi vào quý IV
Theo báo cáo vĩ mô của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), mặt bằng lạm phát giảm và cung vốn dồi dào thúc đẩy các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động sau Tết Nguyên đán, với mức giảm 0,1-0,4 điểm phần trăm tuỳ kỳ hạn. Lãi suất thực dương vẫn được duy trì, trong khi kỳ vọng lạm phát ở mức thấp giữ lãi suất kỳ vọng thấp.
Cầu tín dụng tăng trưởng dương ngay từ đầu năm. Tăng trưởng tín dụng tới 20/3 đạt khoảng 1,25% so với cuối năm ngoái, trong khi con số này vào quý đầu năm 2014 chỉ đạt 0,52%, cho thấy những cải thiện ban đầu trong chỉ báo có tính dẫn dắt này về tăng trưởng kinh tế.
Tỉ giá danh nghĩa giữa VND và USD tăng nhanh đầu tháng 3 trước khi hạ nhiệt vào cuối tháng. Tỉ giá chính thức vượt 21.400 và tỉ giá phi chính thức vượt 21.700.
Sức ép lên tỉ giá đến từ nhiều phía, trong đó có nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của doanh nghiệp nước ngoài, sự thu hẹp chênh lệch lãi suất bằng VND với lãi suất bằng USD, sự tăng giá USD toàn cầu có khuynh hướng chuyển tài sản đầu tư sang USD.
VEPR cho rằng, mức thâm hụt thương mại trong quý I không có tác động lớn, nhất là khi cán cân tổng thể vẫn thặng dư 2,8 tỉ USD. Luồng kiều hối hàng năm hơn 10 tỉ USD che dấu tình trạng thâm hụt của Việt Nam khi trao đổi hàng hoá và dịch vụ. Nếu cán cân thương mại hàng hoá 2012-2014 có xu hướng cân bằng thì cán cân thương mại dịch vụ vẫn chịu thâm hụt lớn, chủ yếu là do dịch vụ hàng hải trong nước không cạnh tranh được với các hãng nước ngoài.
Nếu loại bỏ kiều hối thì thâm hụt thương mại có thể vượt qua thặng dư từ vốn (đầu tư trực tiếp và gián tiếp), có xu hướng làm trượt giá VND – và quả thực dữ liệu về tỉ giá hiệu dụng thực tế (REER) khẳng định VND đang bị định giá cao và mức độ cạnh tranh về giá của hàng hoá thương mại gặp bất lợi – báo cáo của VEPR nhận định.
Trong trường hợp VND tự do điều chỉnh thì cán cân thương mại sẽ cân bằng lại, thúc đẩy xuất khẩu và kiềm chế nhập khẩu.
Theo quan sát của VEPR, tỉ giá danh nghĩa cả năm sẽ tăng hết dư địa 2% mà NHNN đã vạch ra từ đầu năm dưới các áp lực hiện có. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tính ổn định vĩ mô được ưu tiên và sẽ không có những điều chỉnh đột ngột cho đến cuối năm.
VEPR nhìn nhận khả năng kiểm soát tỉ giá của NHNN với lượng dự trữ ngoại hối hiện có (36,7 tỉ USD) và cán cân thanh toán vẫn thặng dư. Do đó, điều chỉnh tỉ giá nếu có sẽ rơi vào cuối quý IV. Quyết định lùi thời điểm tăng lãi suất của Fed, qua đó làm giảm mức tăng giá của USD, dường như đã có những ảnh hưởng nhất định đến quyết định giữ tỉ giá của NHNN.
Bích Diệp
Theo dantri.com.vn