Giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ cập nhật đến ngày 21-8 đã chạm mức 40,25 USD/thùng, giảm 0,78 USD/thùng so với giá chốt phiên giao dịch ngày 20-8 và giảm thêm 57% so với cùng thời điểm năm trước.
Có thể xuống 20 USD/thùng
Đầu năm 2015, khi giá dầu ở ngưỡng khoảng 60 USD/thùng, tổ công tác liên bộ Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã đưa ra 3 kịch bản ứng phó với giá dầu: dưới 60 USD/thùng, dưới 50 USD/thùng và dưới 40 USD/thùng. Trong đó, giá dầu dưới 40 USD/thùng được coi là kịch bản xấu nhất.
Nhiều dự báo tại thời điểm đó vẫn lạc quan cho rằng giá dầu chạm ngưỡng 50-60 USD/thùng hoặc thấp hơn một chút có thể đã chạm đáy và sẽ dần hồi phục. Tuy vậy, bước sang giữa năm 2015, nguồn cung dầu toàn cầu dư thừa đã khiến các công ty và các quốc gia khai thác dầu mỏ dấy lên mối lo ngại đặc biệt về một kịch bản giá dầu lao dốc không phanh. Mặt khác, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc suy yếu cùng một vài vấn đề của nền kinh tế này đã khiến giá dầu giảm mạnh.
Giá xăng RON 92 giảm 768 đồng/lít, về mức 18.536 đồng/lít hôm 19-8 Ảnh: TẤN THẠNH
Thống kê mới nhất của Cơ quan Năng lượng Mỹ, Cơ quan Năng lượng quốc tế cho thấy toàn cầu đang thừa từ 500.000 đến 3 triệu thùng dầu/ngày, tình trạng này có thể kéo dài thêm nhiều tháng nữa. Với những số liệu mới công bố, các chuyên gia năng lượng thế giới dự báo giá dầu sẽ còn giảm sâu và không loại trừ chạm ngưỡng 32,40 USD/thùng - con số được thiết lập trong thời khủng hoảng tài chính năm 2008.
Thậm chí, ngay từ đầu năm 2015, nhiều dự báo cho rằng sản lượng năng lượng toàn cầu khó có thể giảm trước quý III năm nay, đẩy giá dầu tại Mỹ xuống đến mức 20 USD/thùng trước khi hồi phục. Hầu hết các chuyên gia trong nước nhận định với mặt hàng này, điều gì cũng có thể xảy ra bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố địa chính trị, kinh tế - xã hội… Do vậy, mọi con số đưa ra đều chỉ là dự báo.
Người dân được hưởng lợi
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh từng khẳng định giá dầu cứ giảm 1 USD/thùng thì Việt Nam mất gần 1.000 tỉ đồng. Nếu chạm ngưỡng 40 USD/thùng, Việt Nam sẽ giảm thu gần 70.000 tỉ đồng. Nếu tính đến tác động từ tăng trưởng kinh tế, thu thuế,… thì phần hụt thu sẽ còn 11.500 tỉ đồng nếu giá dầu ở mức 40 USD/thùng.
Dưới khía cạnh GDP, nếu giá dầu ở mức 40 USD thì tăng trưởng kinh tế giảm 1 điểm % so với dự kiến. Như vậy, ở tình huống xấu nhất thì tăng trưởng kinh tế của năm 2015 sẽ chỉ đạt 5,2% thay vì mức 6,2% như chỉ tiêu Chính phủ đề ra.
Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, TS Nguyễn Đức Độ, phân tích: Giá dầu giảm kéo theo giá xăng, dầu bán lẻ trong nước giảm, tạo cơ hội cho sản xuất khi chi phí được tiết giảm hơn trước. Chính tác động lan tỏa đến sản xuất sẽ khiến GDP tăng đáng kể. Song, phần hụt thu ngân sách sẽ là mối lo bởi thu ít sẽ dẫn đến nợ công tăng, thâm hụt ngân sách lớn và tổng cầu giảm. “Khó có thể so sánh mức độ lợi, hại đối với nền kinh tế khi giá dầu giảm mà cần nhìn tổng thể ở cả 2 mặt như trên” - ông Độ nói.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, giá dầu giảm nếu lan tỏa được đến giá sản xuất thì giá xăng dầu chỉ cần giảm 20% sẽ dẫn tới chỉ số giá sản xuất giảm ngay trong chu kỳ đầu tiên khoảng 0,8%, kéo theo giá thành ở chu kỳ mới giảm thêm 0,3%-0,5%. Và ngay ở thời điểm giá dầu còn ở mức 60 USD/thùng thì ông Trinh tính toán GDP sẽ tăng khoảng 2%-2,13%. Như vậy, nếu giá dầu ở mức 50 hay 40 USD/thùng thì cũng không ảnh hưởng gì đến tăng trưởng của nền kinh tế.
“Tuy nhiên, cần lưu ý là số liệu tính toán trên chỉ áp dụng trong tình huống giá dầu giảm lan tỏa được đến giá sản xuất. Còn nếu tính cả sự ứng phó của nhà nước đến diễn biến giá dầu thông qua tăng thuế cũng như việc trì trệ giảm cước vận tải thì tác động đến nền kinh tế sẽ khác đi” - chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nói.
CPI giảm theo giá dầu
Về tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết nếu giá xăng dầu trong nước giảm khoảng 10% thì CPI giảm khoảng 0,55% và kinh tế có thể tăng thêm 0,91%. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tín hiệu này cũng cần nhìn nhận ở 2 mặt. Ở góc độ tích cực, CPI giảm sẽ khiến người tiêu dùng dễ thở, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, giảm áp lực cho cơ quan nhà nước trong điều hành vĩ mô. Ở góc độ tiêu cực, CPI giảm sẽ không khuyến khích đầu tư, tăng trưởng kinh tế khó đạt được mức cao, thậm chí suy thoái kinh tế…
Tác động 2 mặt
So sánh giá đợt điều chỉnh đầu tiên (ngày 21-1) với giá điều chỉnh mới nhất (ngày 19-8) cho thấy dù số lần điều chỉnh giảm nhiều hơn số lần điều chỉnh tăng nhưng tổng bù trừ sau 4 lần tăng (thêm 5.040 đồng/lít) và 6 lần giảm (giảm 4.388 đồng/lít) thì rốt cuộc, giá xăng RON 92 trong nước vẫn tăng 652 đồng/lít. Ngoài ra, mức giá bán lẻ tăng nhanh vượt trội so với mức tăng giá dầu thô. Cụ thể, mức giá bán lẻ xăng RON 92 tăng tới 2.866 đ/lít trong khi giá dầu Brent biển Bắc trên sàn Singapore cùng thời điểm chỉ tăng chưa tới 3.000 đồng cho mỗi thùng gồm 159 lít.
Giá giảm đã góp phần kích thích nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 7 tháng đầu năm đạt cao nhất trong 5 năm qua... Tuy nhiên, điều này lại làm tăng áp lực cân đối ngân sách nhà nước (NSNN). Trong 7 tháng qua, theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu dầu thô mang lại 38.800 tỉ đồng, đạt 41,7% dự toán kế hoạch trong tổng thu cả nước năm 2015. Cộng thu qua giá xăng dầu bán lẻ, ngành dầu khí đã đóng góp hơn 42.270 tỉ đồng, bằng 45,5% dự toán, giảm 33,9% so với cùng kỳ năm 2014. Dù tổng thu NSNN ước đạt 544.600 tỉ đồng (chiếm 60% dự toán kế hoạch) nhưng thâm hụt vào khoảng 100.000 tỉ đồng (chiếm 44,5% dự toán cả năm).
Nguồn hụt thu NSNN đã và đang được bù đắp bằng nguồn thu bổ sung từ tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu (từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít); tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá…; tăng tỉ giá và phát hành trái phiếu Chính phủ cũng như tăng khai thác, xuất khẩu dầu thô từ những mỏ có giá thành thấp trong khi giảm khai thác ở những mỏ có giá thành cao…
Giá xăng dầu giảm và cơ chế điều hành giá xăng dầu chưa thật hoàn thiện theo Nghị định 83 đã mang lại cơ hội tăng lợi nhuận khá hấp dẫn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Điều đáng nói là việc điều chỉnh chi phí định mức xăng RON 92 là 1.050 đồng/lít so với mức cũ 860 đồng/lít, dầu diesel là 950 đồng/lít, dầu ma dút 600 đồng/lít và duy trì lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít xăng đã khiến lợi nhuận sau thuế quý II/2015 của Petrolimex tăng lên 1.125 tỉ đồng, gấp 2,7 lần, dù doanh thu thuần của tập đoàn giảm 22% so với cùng kỳ năm 2014.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, mặc dù doanh thu thuần của tập đoàn giảm 23% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng 137%, trong khi chi phí tài chính quý II đã tăng thêm hơn 286.058 tỉ đồng so với quý II/2014 và tăng gấp hơn 2 lần trong 6 tháng đầu năm. Cũng cần thấy rằng mức chi phí và lãi định mức cao cùng việc duy trì trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu không chỉ khiến doanh nghiệp xăng dầu được lợi. NSNN cũng được tăng thu nhờ tăng được thuế GTGT tính trên tổng giá cơ sở. Chỉ có người/hộ tiêu dùng thiệt thòi “cả đơn và kép”.
Thực tế đòi hỏi cần thêm nhiều bứt phá trong gia tăng sự minh bạch, công bằng, cải thiện điều kiện cạnh tranh, nâng cao năng lực quản lý và trách nhiệm xã hội, bảo đảm hài hòa lợi ích liên quan đến kinh doanh và quản lý kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam.
TS Nguyễn Minh Phong
Thùy Dương
nld.com.vn