Nhiều nông dân và cửa hàng bán lẻ phân bón rất mong các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước kịp thời điều chỉnh giá và chính sách bán hàng phù hợp, nhằm giúp nông dân và các cửa hàng thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn cung ứng phân bón từ nhà máy.
Kho phân bón của một cửa hàng vật tư nông nghiệp trong tỉnh.
Từ đầu tháng 6.2015 đến nay, giá một số mặt hàng phân bón, đặc biệt là phân Urê bất ngờ tăng cao, khiến nhiều nông dân lo lắng, bởi hiện tại là thời điểm vào vụ sản xuất lúa Thu Đông 2015, nhu cầu sử dụng phân bón cho lúa tăng mạnh. Giá phân bón tăng cũng làm các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp gặp khó khăn trong khâu nhập hàng.
Theo các chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp, nguồn cung các loại Urê trên thị trường vẫn bảo đảm, nhưng giá thì biến động theo chiều hướng tăng cao.
Trước đây, giá bán lẻ Urê Phú Mỹ (do doanh nghiệp trong nước sản xuất) tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở Hoà Thành, TP Tây Ninh và nhiều địa phương khác chỉ ở mức 390.000 đồng/bao 50kg.
Tuy nhiên, một tháng trở lại đây, giá bán lẻ Urê Phú Mỹ đã vọt lên ở mức 450.000 đồng - 480.000 đồng/bao, tăng khoảng 60.000 đồng - 90.000 đồng/bao.
Theo đà tăng giá của Urê Phú Mỹ, nhiều loại phân Urê khác như: Urê Ninh Bình, Đạm Cà Mau (Urê Cà Mau), Urê nhập khẩu từ Trung Quốc… cũng nhích giá lên khoảng 10.000 đồng - 40.000 đồng/bao.
Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở huyện Hoà Thành, giá Urê Cà Mau, Urê Ninh Bình (Việt Nam) và nhiều loại Urê xuất xứ Trung Quốc có giá từ 400.000 đồng - 420.000 đồng/bao.
Một chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp ở phường Ninh Thạnh, TP Tây Ninh cho biết, nguyên nhân khiến nhiều loại phân Urê tăng giá do các cửa hàng không được tiếp cận nguồn cung trực tiếp.
Bởi các cửa hàng kinh doanh muốn mua được nguồn hàng giá gốc từ các công ty sản xuất và đầu mối phân phối hàng của công ty thì phải đặt mua số lượng lớn, đồng thời đáp ứng một số điều kiện như: Mua Urê Phú Mỹ phải kèm theo một số lượng DAP Phú Mỹ nhất định, chứ không bán riêng mặt hàng Urê Phú Mỹ.
Trong khi đó, mặt hàng DAP Phú Mỹ dù có chất lượng tốt nhưng mới xuất hiện trên thị trường nên nhiều nông dân chưa biết, chưa mạnh dạn mua về bón cho lúa. Các cửa hàng sợ không tiêu thụ được, đành chấp nhận mua hàng với số lượng vừa phải qua các trung gian với mức giá cao hơn.
Một chủ cửa hàng phân bón ở huyện Hoà Thành chia sẻ: “Thời gian qua, cửa hàng của tôi cũng phải mua phân Urê Phú Mỹ với giá khá cao, do không có điều kiện mua hàng trực tiếp từ phía nhà máy. Không phải riêng cửa hàng của tôi mà nhiều cửa hàng bản lẻ vật tư nông nghiệp khác cũng phải mua Urê Phú Mỹ qua các trung gian với giá cao hơn khoảng 30.000 đồng/bao so với các đơn hàng lớn mua Urê kèm với DAP."
Mua vào giá cao, buộc phải bán lại với giá cao. Từ đó khiến cho nhiều nông dân có thói quen sử dụng Urê Phú Mỹ gặp khó khăn bởi chi phí sản xuất đội lên. Giá phân bón tăng góp phần đẩy giá thành sản xuất tăng, trong khi giá nhiều loại nông sản trong thời gian qua không tăng, hoặc có xu hướng giảm.
Nông dân chăm sóc ruộng lúa.
Ông Trần Văn Hạ - nông dân ở ấp Long Trung, xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành cho biết, gia đình ông gieo sạ 6 công lúa, mỗi công phải sử dụng khoảng 50kg phân bón các loại. Giá phân bón và nhiều chi phí đầu vào như thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, điện, nhân công… đều tăng nên người nông dân không có lãi.
Hiện tại, ông đã bón phân cho lúa 1 đợt, còn phải bón thêm 2 đợt nữa. “Với giá phân bón tăng như thế này, tôi rất lo sản xuất không có lời, nhưng không thể dừng được vì lúa đã xuống giống rồi”.
Hiện nay, nhiều nông dân và cửa hàng bán lẻ phân bón rất mong các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước kịp thời điều chỉnh giá và chính sách bán hàng phù hợp, nhằm giúp nông dân và các cửa hàng thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn cung ứng phân bón từ nhà máy.
Thanh Nhi (Báo Tây Ninh)