Theo nhận định của các chuyên gia, khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được triển khai, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội đa dạng hóa nền kinh tế Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc kinh tế vào một hay một số đối tác nhất định, đảo ngược tình trạng nhập siêu khá lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt từ một số thị trường. Nhưng ở chiều hướng ngược lại, Việt Nam cũng sẽ chịu sự xâm nhập, cạnh tranh gay gắt từ các nước đối tác trong TPP.
Hội nhập tất yếu
Theo thông tin phân tích được đề cập tại Báo cáo Chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2014 (PCI 2014), thời kỳ đầu đàm phán, các bên tham gia TPP sẽ thỏa thuận 5 nội dung: Mở cửa thị trường toàn diện thông qua việc loại bỏ các hàng rào thương mại và đầu tư; thỏa thuận toàn khu vực về hỗ trợ sự phát triển và hoạt động của chuỗi sản xuất đa quốc gia; lồng ghép các nội dung thỏa thuận đã thực hiện trong khuôn khổ APEC về hài hòa hóa quy định, phát triển, doanh nghiệp vừa và nhỏ và nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ các chuỗi sản xuất; quy tắc thương mại mới để ứng phó với những thách thức của nền kinh tế số và công nghệ xanh; và một “thỏa thuận mở” với cơ chế cho phép hình thành các quy tắc thương mại mới và mở rộng thành viên.
Dệt may Việt Nam quá phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu
TS Nguyễn Minh Phong khi đưa quan điểm bình luận về cơ hội trong TPP cho rằng, khi TPP được ký kết, Việt Nam sẽ có cơ hội được tham vấn giữa Chính phủ với chính phủ các nước đối tác về các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Việt Nam cũng có thể có được cam kết của các thành viên không sử dụng hoặc hạn chế các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp. Ngoài ra, Việt Nam có thể có cơ hội sử dụng các cam kết của TPP về hàng rào kỹ thuật và các biện pháp vệ sinh dịch tễ để tránh các tranh chấp. Ðây chính là lợi thế để doanh nghiệp Việt Nam tăng xuất khẩu vào Mỹ và có khả năng cạnh tranh cao hơn so với doanh nghiệp một số nước như Trung Quốc, Bangladesh... không phải là thành viên của TPP.
TPP còn tạo xung lực đẩy nhanh cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, mở cửa thị trường mua sắm; thuận lợi trong tiếp cận thị trường thành viên TPP, cải thiện các biện pháp hạn chế nhập khẩu; có cơ hội được công nhận là nền kinh tế thị trường sớm hơn...
Một điểm đáng chú ý, TPP sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài và được mua nguyên vật liệu nhập khẩu từ các nước TPP với chi phí thấp, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có cơ hội được tham gia đấu thầu minh bạch, công khai khi mở cửa thị trường mua sắm công; đồng thời, tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường và bảo vệ người lao động; được hưởng những tác động tích cực từ việc cải cách và thay đổi thể chế nhằm tuân thủ những cam kết chung của TPP; nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội, điều kiện, sự hợp tác quốc tế để phục vụ chiến lược tái cấu trúc và phát triển, nâng cao vị thế trên trường quốc tế...
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - TS Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng: Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để có thể mở rộng, phát triển thị trường không chỉ trong nước mà ra cả nước ngoài. Việc một loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết trong thời gian tới sẽ là cầu nối, là “con đường” ngắn nhất để các doanh nghiệp xâm nhập thị trường các nước đối tác.
Thách thức không hề nhỏ
Ký kết TPP được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam. Theo một phân tích của Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2014 (PCI 2014), tham gia vào TPP, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể lên tới 13%, quy mô xuất khẩu tăng 37%... Nhưng bên cạnh đó, Việt Nam sẽ phải đối diện với không ít thách thức, đặc biệt là câu chuyện lợi ích mà các nhà sản xuất có được.
Đề cập tới câu chuyện này, các chuyên gia phân tích của PCI 2014 đặt vấn đề: Liệu các doanh nghiệp dệt may có được hưởng cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ TPP trong khi ngành này đang phụ thuộc vào nguyên liệu sợi của một số nước khác không phải thành viên TPP không? Thứ hai, một số chuyên gia đã nêu bật những hậu quả về mặt phân phối đối với các công ty Việt Nam, chỉ ra rằng một số ngành công nghiệp, nông sản thế mạnh, thủy sản sẽ có lợi, trong khi chăn nuôi, một số ngành nông nghiệp và dịch vụ trong nước như tài chính, bảo hiểm, dịch vụ logistics và phân phối sẽ chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ nước ngoài.
Trong một nhận định gần đây của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam tăng sản xuất và mở rộng thị trường nông sản ra nước ngoài. Tuy nhiên, trong TPP, các nước tham gia TPP có xu hướng đàm phán hạn chế nhằm giữ bảo hộ đối với nông sản nội địa. Khi đó, hàng rào phi thuế quan sẽ trở nên phổ biến nhưng yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, trong khi đây là điểm yếu của sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Hàng nhập khẩu tăng, xuất khẩu không tìm được đường vào thị trường các nước sẽ khiến nông nghiệp có nguy cơ gia tăng áp lực cạnh tranh. Và nếu có áp dụng bảo hộ hàng hóa trong nước, Việt Nam tất yếu cũng sẽ áp dụng các hàng rào phi thuế quan. Nếu rào cản kỹ thuật chưa có hoặc còn kém, các biện pháp vệ sinh dịch tễ không hiệu quả sẽ khiến Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng thấp, vừa ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng vừa không bảo vệ được sản xuất trong nước...
Theo TS Nguyễn Minh Phong, thách thức mà TPP đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng không hề nhỏ, đặc biệt sự cạnh tranh của các doanh nghiệp, các Tập đoàn, định chế kinh tế lớn, giàu kinh nghiệm, có tiềm lực đến từ các nước đối tác trong TPP. Cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam xâm nhập vào các nước thì cũng là cơ hội để doanh nghiệp các nước thâm nhập thị trường Việt Nam...
Từ thực tế trên, tại Diễn đàn CEO 2015, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đưa khuyến cáo: Chúng ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Ở đó, cơ hội mở rộng, phát triển thị trường là rất lớn. Nhưng để làm được điều đó, đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy cũng như nhận thức của chính bản thân mỗi doanh nghiệp. Và nếu chúng ta không tự thay đổi, tự tái cấu trúc thì chúng ta có thể thua ngay trên sân nhà!
Thanh Ngọc
Nguồn petrotimes.com