Giới thiệu

TLP là công ty nghiên cứu thị trường uy tín về chất lượng, trụ sở chính đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều dự án nghiên cứu thị trường về định lượng và định tính theo yêu cầu của khách hàng. TLP đặc biệt chú trọng đến việc cung cấp...

Xem tiếp

Hình ảnh hoạt động
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 1
  • 2
  • 4
  • 5
  • 7
  • 8
Đối tác
  • tinhthanh.vn
  • Công
  • TUV
Tin tức nông sản

Xuất khẩu nông sản: Chao đảo trong biến động

(Ngày đăng: 17/09/2015)

Những biến động tiền tệ thế giới thời gian qua đã tác động không nhỏ tới xuất nhập khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam. Các chuyên gia dự báo, thời gian tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc suy giảm năng lực cạnh tranh về giá đối với các mặt hàng xuất khẩu do các đối thủ cạnh tranh lớn phá giá tiền tệ, khiến giá xuất khẩu các nông sản chính của Việt Nam giảm mạnh so với trước đây.



Tại hội thảo "Thương mại nông nghiệp Việt Nam trong biến động của kinh tế Việt Nam" ngày 16/9, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện Trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho biết, việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc phá giá gần đây đã tác động trực tiếp và gián tiếp tới thương mại nông sản của Việt Nam. Giá hàng hóa nông sản sẽ chịu áp lực giảm vào thị trường này trong thời gian tới. Áp lực này càng nặng nề hơn khi Trung Quốc là thị trường chiếm đến 20% tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Đối thủ lớn phá giá

Ông Nguyễn Trung Kiên, Quyền Trưởng Bộ môn Thị trường và Ngành hàng (Ipsard), đánh giá năm 2015 ngành nông nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng chậm hơn so với các lĩnh vực khác. Tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào XK nông sản. Hiện nay, Việt Nam vẫn là nước có thặng dư về nông - lâm - thủy sản nhưng từ cuối 2014 đến nay đã sụt giảm nhiều. Từ tháng 2/2015, xuất khẩu nông sản tăng nhưng không bù được sụt giảm.

Số liệu thống kê 8 tháng đầu năm cho thấy, nhiều ngành hàng tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK tiêu giá cao nên dù giảm 18% về lượng nhưng vẫn tăng 4% về giá trị; giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ tăng 10,4%; XK điều tăng 26% về giá trị; XK rau quả tăng 11,2% sau những nỗ lực khơi thông thị trường; giá trị XK sắn và sản phẩm từ sắn tăng 36% về giá trị chủ yếu nhờ tăng XK sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, mảng sáng trong bức tranh xuất khẩu nông - lâm - thủy sản không che lấp được mảng tối xuất hiện ở nhiều mặt hàng chính bị suy giảm như gạo, giảm 8% về lượng 13% về giá trị, chủ yếu do Trung Quốc giảm nhập khẩu; XK cà phê giảm 16% về giá trị; XK cao su tăng 16% về lượng nhưng giảm 6% giá trị; thủy sản XK giảm 16% về giá trị, tôm XK bị cạnh tranh mạnh về giá. Nhất là những biến động của kinh tế Trung Quốc gần đây gây hoang mang, lo lắng cho cả DN và nhà làm chính sách vì Trung Quốc là đối tác lớn của một loạt mặt hàng nông sản XK của Việt Nam.Trong 7 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc chiếm gần 37% tổng giá trị XK gạo, 47% tổng giá trị XK cao su, 36% tổng giá trị XK rau quả, 13,5% tổng giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ, gần 13% với điều, 7% với thủy sản…

Tháng 8/2015, Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng Nhân dân tệ ở mức 4,6%. Động thái này tác động ngay lập tức đến thị trường tài chính, bong bóng chứng khoán vỡ, nhà đầu tư rút vốn ra khỏi thị trường Trung Quốc.

Trước đó, từ tháng 1/2013 đến tháng 8/2015, các đồng tiền chính đã giảm giá mạnh: đồng Euro giảm giá 20%, đồng Yên Nhật giảm 39%, đồng Won Hàn Quốc giảm 11% so với đồng USD. Tháng 8/2015, Việt Nam giảm giá nhẹ so với USD và NDT khoảng 5% so với tháng 1/2013. Đáng chú ý, phá giá mạnh nhất là đồng tiền của các nước đang phát triển: đồng Real của Brazil giảm 72%, Peso Colombia giảm 52%, Rupiah Indonesia giảm 42%, Ringgit Malaysia giảm 33%, Rupee Ấn Độ giảm 20%, Bath Thái giảm 18% so với đồng USD. Đây là các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường XK nông - lâm - thủy sản toàn cầu.

Những biến động mạnh của kinh tế thế giới đã tác động không nhỏ tới XNK nông - lâm - thủy sản của Việt Nam. XK nông sản đứng trong bối cảnh ít lực đỡ hơn. Các chuyên gia dự báo, thời gian tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc suy giảm năng lực cạnh tranh về giá đối với các mặt hàng XK do các đối thủ cạnh tranh lớn phá giá khiến giá XK nông sản của các nước này thấp hơn nhiều so với các tháng trước đó.

Cụ thể mặt hàng gạo sẽ phải đối mặt với Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan; cà phê áp lực cạnh tranh với Brazil, Colombia; Tôm cạnh tranh với Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia… Thế giới sẽ suy giảm cầu đối với mặt hàng nông lâm thủy sản do suy thoái kinh tế Trung Quốc và dư cung.

Tổ chức lại sản xuất tạo đột phá

Để thích ứng với những biến động kinh tế, một số chuyên gia hiến kế về giải pháp cho xuất khẩu nông - lâm - thủy sản. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Vasep cho rằng cần tạo được đột phá trong XK, tăng trưởng ổn định bền vững. Các đột phá được tạo nên bởi những sản phẩm mới.

Chẳng hạn Việt Nam có thể nuôi cá biển XK trực tiếp sang Mỹ. Chỉ cần đầu tư phần cứng khoảng 0,5 triệu USD là có thể tạo ra giá trị 1,5 triệu USD/năm. Cần tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm, thu nhập và lợi nhuận của người tham gia là yếu tố then chốt chứ không phải cứ bán nhiều hàng giá cao là được.

Ông Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cho rằng cơ chế chính sách đang là rào cản lớn với doanh nghiệp. Chúng ta vẫn nói cần "cởi trói" thực ra chẳng ai trói chúng ta mà chính chúng ta đang tự trói mình. Vừa rồi, 14 loại phí cho con gà được cởi bỏ nhưng thực tế con gà, con lợn phải chịu hàng trăm loại phí chạy qua con đường thức ăn, một số phí khác qua thú y.

"Chẳng hạn tôi đã chứng kiến để ra đời 1 lọ vắc xin thú y có tới 8 lần thu phí, nhìn chung việc này đẩy giá thành sản xuất lên cao, chúng ta đang tự làm khó chính mình. Do vậy, cần nhất vẫn là tháo gỡ chính sách", ông Khanh kiến nghị.

Các chuyên gia của IPSARD cho rằng trong ngắn hạn Việt Nam cần đẩy mạnh XK các mặt hàng có lợi thế sang thị trường Mỹ do đồng USD còn có mức giá còn cao. Kết nối nhanh chóng để có hợp đồng XK gạo sang Indonesia, Philippines, Malaysia vì các nước này có thể thiếu hụt cung trong năm nay. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường chính ngạch Trung Quốc đối với các mặt hàng có thể xuất khẩu như sắn, rau quả, cao su, điều, gỗ và sản phẩm gỗ, tôm… Đơn giản hóa thủ tục thông quan, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp có thành tích xuất khẩu tốt.


Ông Đoàn Triệu Nhạn - Chuyên gia ngành cà phê


-------------------------------

 

Thị trường cà phê năm nay rất ảm đạm, không mua không bán được. Xúc tiến thương mại kém,năm nào cũng đi thị trường nước ngoài nhưng không nắm bắt được, lúc nào cũng đi mấy cái thị trường người ta đã mua của mình rồi thì không tác dụng, phải hướng đến nhiều thị trường bên ngoài. Các nhà rang xay giờ không tích lũy nhiều trong kho mà mua theo từng vụ. Muốn tiêu thụ được phải liên kết với các nhà rang xay.

 

Ông Cao Xuân Thanh - Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam


-------------------------------


Gỗ hiện tăng trưởng 9,8% so với năm trước, XK gỗ đứng thứ hai ở châu Á chỉ sau Trung Quốc. Mỹ là thị trường tiêu thụ gỗ lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, không nên bỏ trứng vào một giỏ, cần mở rộng thị trường. Hiện, Nga là thị trường tiềm năng. Hiệp hội đã họp với Bộ NN&PTNT nên hỗ trợ doanh nghiệp để họ mang hàng sang hội chợ bên Nga.

 

Ông Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam


-------------------------------


Chiều sâu bức tranh XK NLTS cần xem lại, chưa đề cập đến người tiêu dùng. Bộ NN&PTNT có nhiều đề tài nghiên cứu chuỗi mới dừng ở cửa khẩu. Cần nghiên cứu hệ thống chuỗi của nông sản Việt Nam để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Sức cạnh tranh của ta thấp vì năng suất lao động quá thấp, sản xuất quy mô hộ gia đình làm ra những sản phẩm không đồng nhất. Trong khi đó, đây là vấn đề quan trọng của xuất khẩu. Cần tổ chức lại sản xuất, kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp, HTX kiểm soát chất lượng sản phẩm của nông dân. Phải thay đổi cả pháp luật, hệ thống mới có thể thay đổi được sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.


Thu Hường (Thời Báo Kinh Doanh)