Giới thiệu

TLP là công ty nghiên cứu thị trường uy tín về chất lượng, trụ sở chính đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều dự án nghiên cứu thị trường về định lượng và định tính theo yêu cầu của khách hàng. TLP đặc biệt chú trọng đến việc cung cấp...

Xem tiếp

Hình ảnh hoạt động
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 1
  • 2
  • 4
  • 5
  • 7
  • 8
Đối tác
  • tinhthanh.vn
  • Công
  • TUV
Tin tức phần bón

Nỗi lo phân bón kém chất lượng

(Ngày đăng: 05/08/2015)

Những năm gần đây, mặc dù các ngành chức năng đã tích cực “vào cuộc”, nhưng tình trạng kinh doanh phân bón kém chất lượng vẫn còn len lỏi, xuất hiện trên thị trường, gây tâm lý lo lắng, hoang mang cho bà con nông dân.
 
Vườn cà phê của anh Vy Văn Bao và Lương Văn Phượng bị rụng lá và cháy khô dần

 

Thời gian qua, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Đăng Srồn và thôn Hiệp Hòa, xã Ninh Gia (Đức Trọng, Lâm Đồng) đều có chung tâm lý lo lắng và bức xúc trước thực trạng vườn cà phê đang trong giai đoạn cho quả, xanh tươi, nhưng khi bón phân khoảng vài ngày thì toàn bộ cây cà phê của bà con có dấu hiệu “đứng”, chồi không bung phát và dẫn đến hiện tượng cành lá cháy khô, rụng quả, thậm chí có một số cây bị chết.
 
Tiếp xúc với chúng tôi, anh K’Huynh Đa Guôt vẫn chưa thể giấu hết nỗi buồn hiện rõ trên khuôn mặt, vì 2,3ha cà phê năm thứ 4 của gia đình anh đang trong giai đoạn sung sức, cho trái và hy vọng trong niên vụ này sẽ có mùa vụ bội thu, nhưng từ khi dùng phải phân bón kém chất lượng, vợ chồng anh luôn trong tâm trạng âu lo, bồn chồn vì vườn cà phê có nguy cơ bị mất mùa. Anh cho biết: “Mọi năm, bà con chúng tôi thường ứng trước với Đại lý kinh doanh phân bón Cổng Tuệ (phân NPK Philippine) nhưng do đã hết, nên buộc phải lấy phân NPK 16-8-16-13S+TE (bao bì ghi rõ Công ty Ứng dụng Công nghệ Sinh học An Thái, TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk). Gia đình tôi mua 16 bao (8 tạ). Mỗi tạ phân giá 1,2 triệu đồng (cộng lãi suất 15.000 đồng/tháng) bón cho 2,3ha cà phê. Sau khi bón khoảng 7 - 8 ngày, cà phê có dấu hiệu vàng lá và 15 ngày sau thì lá bị cháy, cành khô, rụng quả... Thời điểm chúng tôi bón phân là vào trung tuần tháng 6, có mưa liên tục (do ảnh hưởng cơn bão số 1)”.
 
Tương tự, các gia đình chị Drong Ái Kiều, K’Thiết, Tra Ghi A Nít đều là những gia đình trẻ, mới tách ra ở riêng để tạo dựng cuộc sống, nên cuộc sống gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Không có ruộng lúa nước, cuộc sống của họ chủ yếu chỉ dựa vào từ vài sào cà phê, còn thời gian rảnh rỗi thì đi làm thuê. “Gia đình em có 9 sào cà phê năm thứ 4, với 900 cây. Ngoài cà phê sẻ, em còn trồng xen khoảng 2.000 cây cà phê Catimo. Trước khi bón phân, vườn cà phê phát triển bình thường. Với diện tích trên, gia đình em chỉ bỏ trước 3 tạ phân NPK An Thái. Những cây cà phê Catimo do bỏ ít, nên rất may không bị chết cháy, mà chỉ có dấu hiệu “đứng”, cây không phát chồi, cành. Còn cà phê sẻ thì bón với liều lượng nhiều hơn, nên dẫn đến tình trạng bị cháy lá, khô cành, rụng quả và có một số cây bị chết khô” - Chị Drong Ái Kiều nói.
 
Không chỉ riêng ở thôn Đăng Srồn, bà con người Nùng ở thôn Hiệp Hòa cũng có hoàn cảnh tương tự. Vào ngày9/7/2015, các ông Vy Văn Bao, Lương Văn Phượng, Dương Văn Chừ đến Đại lý kinh doanh phân bón Thành Bé để ứng trên 2 tấn phân bón NPK 16-7-18+TE (Bao bì ghi chuyên dụng cho cây công nghiệp. Nguyên liệu ngoại nhập 100% của Công ty TNHH phân bón Group, ấp Tân Hòa, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa - Long An). Ông Vy Văn Bao cho biết: “Vì thời tiết đang mưa, nên sau khi mua về, bà con chúng tôi bỏ ngay cho cây cà phê, với liều lượng khoảng 0,5kg/cây. Khoảng 5 ngày sau vào thăm vườn, thấy cà phê vàng, cháy lá, rụng trái, nên báo cho Đại lý biết. Đại lý hướng dẫn tưới nước, còn tiền dầu, ngày công Đại lý sẽ trả. Về phía Công ty cho rằng, bà con mình bón phân không đúng kỹ thuật; bón phân không tưới nước như đã hướng dẫn trên bao bì, nhưng thực tế trên bao bì không có sự hướng dẫn trên”.
 
Gia đình anh Lương Văn Phượng có 2,5ha cà phê. 1,2ha anh Phượng sử dụng phân bón của Công ty trên thì bị hiện tượng vàng, cháy lá, rụng quả, khô cành, bộ rễ có màu đen và có những cây nặng hơn thì bị chết khô. Riêng1,3ha còn lại anh Phượng dùng phân bón khác thì cây cà phê vẫn phát triển bình thường. Theo biên bản kiểm tra, ghi nhận tại hiện trường của UBND xã Ninh Gia, những diện tích cà phê sử dụng phải phân bón kém chất lượng nói trên có mức độ thiệt hại từ 40 - 70%.
 
Sau khi biết vườn cà phê bón phải phân kém chất lượng, bà con đã tập trung xử lý để cứu sống cây bằng cách cạo lớp đất phân rồi dùng máy bơm tưới nước vào bồn, gốc cây nhằm rửa trôi dư lượng phân đã bón, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời.
 
Do hoàn cảnh khó khăn, nên hầu hết bà con đều ứng trước phân với các đại lý kinh doanh phân bón, rồi tới mùa thu hoạch sẽ trả tiền gốc lẫn lãi. Nhưng với việc dùng phải phân bón kém chất lượng của một số hộ dân ở thôn Đăng Srồn, Hiệp Hòa (xã Ninh Gia), chẳng những làm vườn cà phê bị hư hại, làm giảm năng suất, sản lượng và nặng hơn dẫn đến mất mùa là điều không thể tránh khỏi. Điều này, kéo theo những khó khăn, hệ lụy trong việc thanh toán nợ nần, tìm nguồn vốn đầu tư để phục hồi lại vườn cây...
 
Ông Nguyễn Ngọc Huyên - Chủ tịch UBND xã Ninh Gia, cho biết: “Sau khi nghe người dân phản ánh về việc sử dụng phân bón của 2 đại lý kinh doanh phân bón Cổng Tuệ (thôn Đăng Srồn) và Thành Bé (thôn Hiệp Hòa) làm cho vườn cà phê cháy lá, khô cành, rụng quả, UBND xã đã đi kiểm tra, xác minh, ghi nhận hiện trường; đồng thời, phối hợp với Phòng Hạ tầng, Đội Quản lý thị trường tiến hành tạm giữ, niêm phong số phân tại 2 đại lý nói trên và làm báo cáo với UBND huyện và các ngành chức năng của huyện để lấy mẫu phân gửi đi kiểm định chất lượng, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận. Chính quyền địa phương mong muốn các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, đánh giá để xác định rõ nguyên nhân và sớm thông báo với bà con nông dân”.
 
Ndong Brừm (Báo Lâm Đồng)